Trầm hương được lấy từ cây trầm, trầm gió (hay gọi là cây dó bầu) hoặc tiến khẩu (Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte) thuộc họ trầm (Thymeleaceae). Trầm phân bố nhiều nhất ở Việt Nam, rồi đến Lào, Ấn Độ… Tại Việt Nam, trầm tự nhiên có ở Khánh Hòa, Quảng Nam, Gia Lai, Kom Tum, Đăk Lăk… và một số khu vực khác tại miền Trung.
Cây Trầm mọc tự nhiên trong các rừng ẩm nhiệt đới, có thể gặp ở độ cao 1.000 mét, nhưng tập trung nhiều ở độ cao dưới 700m. Trầm là cây chịu nóng, tái sinh tự nhiên tốt, ưa đất thịt pha cát tầng đất dầy, mùa nở hoa tháng 7-8, quả chín tháng 9-10.
Thân cây dó bầu bình thường có mùi tương đối nhẹ và nhạt màu. Khi bị các tác nhân bên ngoài như nấm mốc hay các vết thương cơ học và một số điều kiện khác gây nên việc tổn thương nhiễm trùng kéo dài, cây sẽ sản xuất ra một loại nhựa để tự điều trị vết thương và kết quả hình thành nên một lõi gỗ đen, đặc, thơm gọi chung là trầm.
Trầm hương dưới dạng “bắp trầm” là phần gỗ trong lõi của gốc thân cây trầm và chỉ đến khi cây lụi và chết, lớp vỏ ngoài mục dần mới để lộ ra phần gỗ này dưới những hình dạng không đều, với bề mặt lồi lõm, lúc thì dạng thanh giống con chim ưng do đó có tên gỗ chim ưng, lúc thì dạng cục như nhựa lô hội. Sản phẩm có thể rất mềm hoặc rắn như đá, nặng nhẹ tùy theo loại, bóng, màu cánh gián, nâu xám, nâu đỏ hoặc nâu đen với những đường vân hoặc vết lấm tấm màu vàng óng ánh, có mùi thơm đặc biệt.
Trầm hương lấy ở cây sống có màu sáng bóng gọi là trầm sinh, còn trầm rục là gỗ thu ở cây trầm đã bị mục, màu đen xỉn. Đôi khi, lớp gỗ bao quanh khúc trầm bị biến chất và ảnh hưởng của trầm nên cũng có mùi thơm và được dùng, người ta gọi đó là “tốc trầm”. Trầm hương được phân loại thành trầm và kỳ nam, trong đó, kỳ nam được coi là loại tốt nhất. Kỳ nam lại được chia thành nhiều loại nữa theo phương thức cổ điển của y học cổ truyền “nhất bạch, nhì thanh, tam hoàng, tứ hắc”, cụ thể là bạch kỳ nam (màu trắng, loại I, rất hiếm), thanh kỳ nam (màu xanh, loại II), huỳnh kỳ nam (màu vàng, loại III), hắc kỳ nam(màu đen, loại IV).
Với nhiều đặc tính quý hiếm, từ xa xưa Trầm hương đã được rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực.
Về Tâm linh : Với hương thơm đặc trưng thuần khiết, Trầm hương từ rất sớm đã được các nền văn hoá cổ ghi nhận như môt tặng phẩm vô cùng giá trị của thiên nhiên để rồi từ đó việc sử dụng Trầm hương trong các nghi lễ tôn giáo hay các hoạt động mang tính chất tâm linh trải dài từ Á sang Âu với các tôn giáo lớn nhất như Đạo Phật, Đạo Lão, Đạo Thiên Chúa, Đạo Hồi, Đạo Hindu … Người xưa tin rằng hương thơm của Trầm hương là sợi dây, duy nhất và không thể thay thế bằng một thứ tương tự, kết nối họ với thế giới tâm linh mà họ thờ kính. Thư tịch cổ nhất còn lưu giữ được đến nay của loài người, Kinh Vệ Đà của Ấn Độ đã ghi nhận việc sử dụng trầm hương. Đối với rất nhiều hoạt động mang tính chất tâm linh, việc thực hiện nghi thức xông Trầm hương là dấu hiệu phần chính thức của nghi lễ được bắt đầu.
Về Y học : Trầm hương cũng được nhiều nền văn hoá, trải dài qua các thời đại khác nhau nghiên cứu và sử dụng như một dược liệu quý trong quá trình điều trị bệnh hay nhẹ nhàng hơn như một dạng “ thực phẩm chức năng” giúp đem đến những giá trị thiết thực cho sức khoẻ người sử dụng. Rất nhiều Y thư cổ đem đến những bài thuốc có sự tham gia của trầm hương trong việc điều trị bệnh của Y học cổ truyền.
Và cũng như việc sử dụng trầm hương với mục đích tâm linh, các sử liệu cũng ghi nhận từ rất sớm giá trị về y học của trầm hương, như trong Sahih Muslim của Đạo Hồi từ thế kỷ thứ tám hay trong văn bản y học Ayurvedic của Sushruta Samhita.
Ngày nay , y học hiện đại cũng rất quan tâm đến các đặc tính dược liệu quý của Trầm hương. Các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam đã tiên phong trong quá trình nghiên cứu và tìm ra các hợp chất mới trong tinh chất dầu trầm có tác dụng tích cực với hệ thần kinh trung ương. Mở ra một hướng đi mới trong việc sử dụng cũng như công nghiệp phát triển trầm hương.
Về Nghệ thuật : việc sử dụng Trầm hương như các tác phẩm nghệ thuật là một hệ quả hết sức tự nhiên xuất phát từ các giá trị đã được khẳng định trong đời sống sinh hoạt văn hoá xa xưa, đặc biệt là trong các hoạt động tâm linh. Ở cấp độ cao nhất của mình, các tác phẩm nghệ thuật thường được thực hiện với ý nguyện phục vụ các hoạt động tâm linh, và trầm hương không nằm ngoài những nhu cầu tự nhiên đó. Do giá trị quý hiếm và đặc tính cơ lý của Trầm hương rất khó trong việc chế tác nên các tác phẩm nghệ thuật về trầm hương là một thứ tài sản vô cùng giá trị, và trong nhiều trường hợp trở thành tặng phẩm quốc gia hay bảo vật trấn quốc. Trầm hương thường được khắc chạm tượng , làm vòng đeo tay, đeo cổ hay đơn giản chỉ cần giữ nguyên hình khối ban đầu kết hợp với các bệ đỡ bằng các vật liệu quý khác và được trưng bày trang trọng trong các đền thờ, bảo tàng hay các tư dinh. Việc thưởng thức hương thơm của trầm hương cũng đã được Nhật bản nâng lên thành một nghệ thuật thưởng thức tao nhã Hương đạo.